chuannhatbaner
 CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QĐND VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) & 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 01/7/2019

370

Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 6 thông qua, trong đó có luật sửa đổi một số điều của luật Giáo dục đại học (GD ĐH).

Việc sửa Luật GD ĐH là cần thiết

Theo đó, ngày 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (sau đây gọi là Luật). Ngày 03/12/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 13/2018/L-CTN công bố và Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2019

Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012 đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng.

Tuy nhiên, sau 05 năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt cần phải giải quyết để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH, thúc đẩy và triển khai tự chủ của toàn hệ thống giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, cần sửa Luật GDĐH 2012 để cụ thể hoá Hiến pháp 2013 trong GDĐH và đồng bộ với một số luật mới ban hành như Luật giá (2012), Luật Ngân sách Nhà nước (2015), Luật Đầu tư công (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014), Luật Phí và Lệ phí (2015)... nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến GDĐH.

Việc sửa còn Luật nhằm chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH của Đảng và Nhà nước theo nội dung của Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh đối với GDĐH, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH để huy động mọi nguồn lực phát triển GDĐH, đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới quản trị đại học, quản lý đào tạo tiệm cận các chuẩn quốc tế để phát triển GDĐH theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH tự chủ cạnh tranh bình đẳng, phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng GDĐH.

Sửa đổi, bổ sung Luật phải đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có tính thực tiễn, thiết thực, khả thi; đảm bảo tính kế thừa, phát triển và hội nhập, tạo ra bước đột phá mới trong GDĐH phù hợp với xu hướng phát triển GDĐH trên thế giới.

Luật đã được soạn thảo theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL; gồm 03 điều, trong đó: sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung mới 01 điều, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật.

Những điểm mới căn bản của Luật

Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GDĐH, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể:

Luật đã quy định rõ hệ thống cơ sở GDĐH gồm đại học và trường đại học, tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, khắc phục một số vấn đề bất cập nhưng vẫn đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển. Luật cũng làm rõ vấn đề sở hữu; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở GDĐH công lập và tư thục và thúc đẩy sự phát triển của cơ sở GDĐH tư thục.

Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống; trong đó, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH trong việc xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH. Chủ trương tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng.

Đặc biệt, Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường… phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở GDĐH để tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ. Cơ sở GDĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế thông qua việc xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế; xây dựng các chuẩn GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH… tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới. Căn cứ vào kết quả kiểm định, năng lực của trường và nhu cầu xã hội, các trường có quyền tự chủ mở ngành, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng... Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục được quy định với trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan; quy định về cơ sở kiểm định độc lập và công khai kết quả kiểm định, tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp để người học và xã hội lựa chọn.

Đổi mới quản lý Nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học thông qua các công cụ quản lý như quy hoạch mạng lưới, ban hành chính sách, chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH; ban hành hệ thống chuẩn chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng … để các trường tự chủ thực hiện. Cơ sở GDĐH có trách nhiệm minh bạch thông tin và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định. Cơ quan quản lý nhà nước quản lý theo pháp luật, quy chuẩn chất lượng; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong GDĐH theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo việc xây dựng 02 Nghị định hướng dẫn (Dự kiến ban hành tháng 05/2019) và rà soát lại các văn bản có liên quan để thực thi Luật từ 01/07/2019./.

Nguồn: Trường học kết nôi

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

TRƯỜNG THPT BẮC THĂNG LONG

        icon1 Thôn Bầu – Xã Kim Chung – Đông Anh – Hà Nội
        ☎️ Điện thoại 024 39518404 

icon4 Email: c3bacthanglong@hanoiedu.vn
       ✅ Vui lòng ghi rõ nguồn "thptbacthanglong.edu.vn" khi phát hành lại thông tin từ website